Menu Đóng

Khu căn cứ trải nghiệm quân sự độc đáo tại Hà Nội

ĐĂNG KÝ NGAY KHÓA TRẠI HÈ QUÂN ĐỘI 7 NGÀY 6 ĐÊM TẠI ARMY STATION

DỰ KIẾN NGÀY 1/6/2023

    ĐĂNG KÝ THÔNG TIN


    Xu hướng trải nghiệm nhập vai hiện đang là giải pháp hướng nghiệp sớm được nhiều cha mẹ tin tưởng, giúp con trẻ tìm ra câu trả lời: Tôi là ai?

    Với mục đích giúp các em có thể rời xa các thiết bị công nghệ và hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống, chương trình “Army station – Căn cứ trải nghiệm quân sự” được thành lập với triết lý rèn luyện “đạo đức, trí tuệ, nghị lực” cho các em nhỏ thông qua các hoạt động trải nghiệm nhập vai độc đáo.

    Háo hức khám phá chương trình rèn luyện thực tế trong môi trường quân đội, chúng tôi quyết định trốn khỏi thành phố ồn ã, đông đúc tới ngoại ô Hà Nội. Điểm đến là khu “căn cứ trải nghiệm quân sự” cách trung tâm Hà Nội 36km, ở Thạch Thất.

    Chương trình khai mạc lúc 8h sáng và kết thúc vào 4h chiều, vậy nên chúng tôi quyết định tập hợp vào lúc 7h sáng tại một địa điểm và cùng đón xe đi.

    Trước khi đến đây, chúng tôi đã tìm hiểu qua về mô hình giáo dục tổng hợp dành cho các em học sinh trên mạng, nhưng nói chung vẫn chỉ là những bức ảnh chụp khung cảnh cùng bản đồ các trò chơi chứ vẫn chưa ai thật sự trải nghiệm thực tế.

    Chỉ mất 30 phút di chuyển qua đại lộ Thăng Long, chúng tôi đã đến nơi. Ngước nhìn cánh cổng khổng lồ của căn cứ Army station, chúng tôi choáng ngợp.

    Khu trải nghiệm có tổng diện tích hơn 6 ha với tổng cộng 16 trò chơi trong chương trình huấn luyện đặc biệt.

    Các em học sinh sẽ được trải nghiệm các trò chơi đa dạng với đầy đủ mô hình như: Đường băng sân bay, bảo tàng quân sự trong mô hình máy bay, di chuyển trong lô cốt, khu trận địa… trong vòng một ngày.

    Nhóm PV Tạp chí Traihe.com.vn đã có “một ngày làm chiến sĩ” cùng các em học sinh khối lớp 11, trường THPT Diêm Điền, Thái Bình.

    “Hiện tượng các em nhỏ quá phụ thuộc vào thiết bị điện tử sau đại dịch Covid-19 có dấu hiệu ngày càng tăng. Không ít em nghĩ rằng, mạng xã hội là nơi gắn kết nhưng thực chất nó gây ra cảm giác đố kỵ, thua kém và kém hài lòng với cuộc sống. Để có thể giúp các em có một sân chơi lành mạnh, giao tiếp mặt đối mặt, chúng tôi quyết định thành lập khu trải nghiệm này”. 

    Bà Nguyễn Thảo – Tổng Giám đốc Army Station

    Để kích thích sự cố gắng của các em học sinh, một lớp sẽ được chia làm 2 đội và cùng nhau khám phá giao thông hào hình ngôi sao lớn.

    Đây là một hệ thống trận địa nổi tiếng chằng chịt, dọc ngang với những chiến hào, giao thông hào để bảo vệ quân đội khỏi hỏa lực, vũ khí của kẻ thù, tránh bị pháo kích.

    Các em cần tìm kiếm những mảnh ghép đang bị giấu kín và sau đó sẽ cùng kết hợp các mảnh ghép thành bản đồ trong các trận đánh nổi tiếng của lịch sử Việt Nam.

    Từ đó, các em cũng có thể ôn lại những kiến thức mà mình đã được học.

    Khi thấy một em học sinh luôn năng nổ xung phong dẫn đầu đoàn của mình, chúng tôi đã trò chuyện và được biết, em tên là Lê Thị Thư (học sinh lớp 11A1).

    “Trong quá trình trải nghiệm, chúng em được ôn lại được kiến thức lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ”, em Thư hào hứng cho biết.

    Lịch sử ghi nhận, hình ảnh bếp Hoàng Cầm ra đời và phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là một loại bếp dã chiến, có công dụng làm tan loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao, cũng như ở gần. Bếp mang tên anh hùng nuôi quân Hoàng Cầm.

    Tại khu trải nghiệm, hình ảnh hệ thống bếp Hoàng Cầm được tái hiện với quy mô lớn. Các em học sinh sẽ được nhập vai, vận hành bếp Hoàng Cầm trong thực tế.

    Qua trò chơi này, các em sẽ được tìm hiểu về lịch sử và lý do tại sao quân đội ta phát minh ra bếp Hoàng Cầm.

    Em Phạm Thuỳ Linh (học sinh lớp 11A3) chia sẻ: “Trò chơi em thích nhất là luộc khoai bằng bếp Hoàng Cầm. Trong quá trình nấu, em nhận thấy rất khó để nhóm lửa và duy trì nhiệt độ để khoai có thể chín. Điều này giúp em hiểu rõ hơn các chiến sĩ xưa kia đã vất vả như thế nào để nấu được một bữa cơm mà không bị địch phát hiện”.

    Trải nghiệm này khiến chúng tôi nhớ lại cảm giác ngày đầu tiên đi tập quân sự ở trường đại học. Cuộc sống tập thể khiến tôi hiểu được giá trị của sự đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, hiểu được thế nào là tình bạn, tình đồng chí. Đó là những tháng ngày không quên của chúng tôi.

    Với trải nghiệm “Gấp chăn màn”, các em học sinh sẽ được nhập vai, thực hiện quy trình chuẩn, tác phong của người lính. Đây được coi là phương pháp giúp rèn luyện tính cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì và ngăn nắp cho các chiến sĩ khi nhập ngũ.

    Cách gấp chăn này đòi hỏi kết quả thu được phải là những chiếc chăn được gấp gọn gàng, phẳng phiu và vuông thành sắc cạnh.

    Sau khi nghe quản trò hướng dẫn, các em học sinh sẽ thực hành gấp chăn và cuối cùng chụp ảnh với thành quả của mình. Trò chơi này sẽ giúp các em hình thành tính cách ngăn nắp và biết giúp đỡ bố mẹ vào những buổi sáng.

    Trong trò chơi này, các em sẽ được hoá thân thành “bác sĩ quân y” tập băng bó vết thương, cách thức sơ cứu khi gặp thương binh bị gãy tay, cách xếp cán để vận chuyển bệnh nhân, nâng cao tinh thần đồng đội.

    Các em sẽ thực hành dùng băng vô trùng, mảnh quần áo sạch hoặc vải sạch dùng làm băng ép chặt lên vết thương để cầm máu. Bên cạnh đó, phải cố định vùng xương gãy ở tay, chân bằng cách: Dùng nẹp qua 2 khớp hoặc băng vải đeo trước ngực cố định.

    Quản trò Đào Thị Huyền cho hay, các trò chơi trên giúp các em có thêm kiến thức để áp dụng vào đời sống thực tế về cách xử lý ban đầu khi gặp người bị gãy tay trong từng tình huống.

    Ngoài ra, các em còn được trải nghiệm rất nhiều trò chơi khác như chiếm đóng cứ điểm quân sự của địch, cùng nhau “kéo pháo lên đồi cao” chiếm đóng lô cốt, cùng làm người lính hải quân với hoạt động bơi thuyền, nhập vai làm bộ đội đặc công với trải nghiệm đường trượt Zipline dài gần 200m.

    Em Hà Thị Thảo (lớp 11A8) nhận xét: “Các trò chơi rất vui và thú vị, giúp em giải toả được nhiều áp lực, căng thẳng trong học tập và sạc lại năng lượng để bắt đầu một tuần học mới”.

    Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đặng Thị Phượng – Trưởng ban Trải nghiệm trường THPT Diêm Điền, Thái Bình cho biết, nhà trường tổ chức chuyến đi để các em có thể tìm hiểu về các lĩnh vực liên quan đến môn học trên lớp và giáo dục địa phương.

    Nhà trường muốn tạo điều kiện cho các em hiểu được cuộc sống ở quân đội khó khăn như thế nào, từ đó củng cố lòng biết ơn, sự tôn trọng khắc sâu trong tim đối với quê hương, đất nước và những chiến sĩ đã hi sinh thân mình bảo vệ Tổ quốc.

    Bên cạnh đó, cô cũng chia sẻ: “Mục đích quan trọng không kém nhà trường hướng đến là hướng nghiệp cho các em. Đây cũng là cơ hội để các em tìm hiểu môi trường quân đội và những ngành nghề liên quan. Từ đó các em sẽ có thêm sự lựa chọn. Các em đang học lớp 11, năm học tới sẽ là thời điểm các em quyết định chọn trường, chọn cánh cửa tương lai”.

    Cuối ngày, chúng tôi cùng nhìn lại một ngày trải nghiệm thú vị, ý nghĩa, sau đó tham gia lễ xuất ngũ trở về cùng “đồng đội” và gia đình.

    Chúng tôi tin rằng, mỗi em học sinh sẽ có thêm động lực để phấn đấu trở thành công dân toàn cầu, có ích cho xã hội.

    Chúng tôi tâm niệm, mọi thứ phải bắt đầu từ nỗ lực của chính bản thân mình. Thành công chỉ đến khi chúng ta không ngừng cố gắng.

    Cuộc sống hay công việc cũng đều có những kỷ luật mà chúng ta cần phải tuân thủ. Đó là giá trị mà chúng tôi thấm nhuần sau chuyến đi này.

      ĐĂNG KÝ THÔNG TIN


      XEM THÊM